GIÁO DỤC-Y TẾ
bài tuyền truyền tiêm chủng mở rộng
24/04/2023 10:18:46

TRẠM Y TẾ XÃ ĐỨC XƯƠNG

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG

1. Lợi ích của tiêm vắcxin phòng bệnh ?

Thế giới đánh giá Việt Nam là nước thành công rất lớn trong việc thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Lợi ích của tiêm vắcxin phòng bệnh: trẻ không bị mắc bệnh đã được tiêm phòng nên tránh được tử vong hoặc di chứng tàn tật; gia đình không tốn tiền bạc, thời gian, công sức chăm sóc con bệnh; không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ; sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng gia tăng; kinh tế gia đình, cộng đồng, xã hội có điều kiện phát triển.

2. Trẻ trong độ tuổi nào được tiêm chủng mở rộng?

Trẻ sơ sinh đến đủ 24 tháng.

5. Vì sao phải tiêm vắcxin BCG ngừa Lao cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh?

Vì tỉ lệ người nhiễm vi khuẩn Lao ở nước ta khá cao (khoảng gần 50% và tỉ lệ mắc bệnh Lao phát hiện được 130 người/100.000 dân) và khó biết ai đang mắc bệnh Lao (có thể là người thân hoặc cả cán bộ y tế) nên cần tiêm phòng vắcxin ngừa Lao cho trẻ càng sớm càng tốt.

6. Vì sao phải tiêm vắcxin ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh ?

Vì tỉ lệ người nhiễm virút viêm gan B ở nước ta khá cao (có khoảng 20% dân số và là bệnh rất hay lây) và trẻ mới sinh ra có rất nhiều nguy cơ bị lây nhiễm (qua đường máu) từ mẹ sang con, từ môi trường bệnh viện (chăm sóc rốn, thay băng), tiêm thuốc, truyền dịch… nên tiêm phòng vắcxin viêm gan B cho trẻ càng sớm càng tốt.

7. Tại sao phải khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắcxin ?

Để biết trẻ có dị tật hoặc mắc bệnh gì trước đó không và bệnh đó có chống chỉ định tiêm loại vắcxin nào hay không. Trong trường hợp trẻ có dị tật hoặc mắc bệnh không được tiêm loại vắcxin nào thì phải giải thích rõ cho bà mẹ biết.

8. Nếu đến thời gian tiêm vắcxin mà trẻ bị bệnh, bị sốt thì bà mẹ nên làm gì ?

Nên đưa trẻ đến điểm tiêm và chủ động khai báo tình trạng bệnh của trẻ để thầy thuốc khám và quyết định. Nếu trẻ đang bị bệnh và không tiêm được vắcxin lần này thì sẽ tiêm vào lần sau cũng sẽ không ảnh hưởng gì lớn đến việc phòng bệnh cho trẻ sau này.

9. Sau khi bé được tiêm vắcxin xong bà mẹ làm gì ?

Bà mẹ nên cùng bé ngồi lại trong vòng 30 phút vì những phản ứng mạnh thường sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 30 phút sau tiêm vắcxin. Nếu có phản ứng xảy ra sẽ được thầy thuốc xử lý kịp thời.

10. Những dấu hiệu phản ứng ở trẻ sau khi tiêm vắcxin thường gặp mà bà mẹ cần phải biết ?

Những dấu hiệu phản ứng ở trẻ sau khi tiêm vacxin thường gặp: sốt; sưng, nóng, đau chỗ tiêm, trẻ mệt; trẻ biếng ăn; quấy khóc; nổi ban. Thường trẻ sẽ trở lại bình thường trong vòng 24 – 48 giờ, nếu phản ứng kéo dài đưa trẻ đi khám ngay.

11. Những dấu hiệu phản ứng ở trẻ sau khi tiêm vắcxin hiếm gặp mà bà mẹ cần phải biết để đưa trẻ đi khám ngay ?

Những dấu hiệu phản ứng ở trẻ sau khi tiêm vắcxin hiếm gặp: là những phản ứng mạnh như: trẻ khóc thét liên tục, sốt rất cao,trẻ khó thở; da, môi tím tái; co giật (hoặc gồng cứng cơ từng cơn)… cần đưa trẻ đi khám ngay.

12. Làm gì khi trẻ bị sốt ?

Cho bé uống paracetamol 15mg/kg thể trọng x 4 lần/ngày để giảm sốt, nếu sốt kéo dài có thể lau mát thêm cho bé.

13. Làm gì khi trẻ bị đỏ, đau nơi tiêm ?

Cho bé uống paracetamol 15mg/kg thể trọng x 4 lần/ngày để giảm đau.

14. Lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ?

Tháng tuổi

Vắc-xin cần tiêm

Mũi tiêm/uống

Sơ sinh

(càng sớm càng tốt)

- BCG (phòng lao)

- Viêm gan B

- 1 mũi
- Vắc-xin viêm gan B
trong 24 giờ sau khi
sinh

2 tháng tuổi

- Bại liệt - Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván -Viêm gan B- Hib

- Bại liệt lần 1
- Bạch hầu - Ho gà -
Uốn ván -Viêm gan
B – Hib mũi 1

3 tháng tuổi

- Bại liệt
- Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván -Viêm gan B - Hib

- Bại liệt lần 2
- Bạch hầu - Ho gà -
Uốn ván -Viêm gan
B – Hib mũi 2

4 tháng tuổi

- Bại liệt
- Bạch hầu - Ho gà -
Uốn ván -Viêm gan B– Hib mũi 1

- Bại liệt lần 3
- Bạch hầu - Ho gà -
Uốn ván -Viêm gan
B - Hib mũi 3

9 tháng tuổi

- Sởi (mũi 1)

- Mũi 1 khi trẻ đủ 9
tháng tuổi

12 tháng tuổi

- Viêm não nhật bản B (mũi 1)

- Mũi 2 tiêm khi trẻ 13
tháng tuổi

18 tháng tuổi

- Sởi (mũi 2)

- Mũi 2 tiêm khi trẻ 18
tháng tuổi

24 tháng tuổi

-Viêm não nhật bản B (Mũi 3)

 
     

Nơi Nhận:

Đài truyền thanh xã

Lưu Trạm y tế

Đức xương , Ngày 24 tháng 4 năm 2023

TM. TRẠM Y TẾ XÃ

TRẠM Y TẾ XÃ ĐỨC XƯƠNG

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LAO

Hiện nay bệnh lao còn phổ biến ở nước ta, mỗi năm có thêm gần 200 nghìn người mắc bệnh lao (trong đó có lao/HIV, lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc) và khoảng 20 nghìn người chết vì bệnh lao.

Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, hay gặp nhất là lao phổi, cũng có thể gặp lao ngoài phổi như: hạch, màng phổi, màng não, xương khớp,… Bệnh lao phổi dễ lây lan theo đường không khí.

Những người có nguy cơ mắc bệnh lao cao là: Người tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi chưa được điều trị, đặc biệt là người có HIV, trẻ em dưới 5 tuổi.

Để phát hiện sớm bệnh lao:

Khi có 1 trong các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao dưới đây, cần đến ngay Trạm y tế xã để khám bệnh, xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao:

- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần

- Sốt nhẹ về chiều

- Gầy sút cân

- Hay đổ mồ hôi về ban đêm

- Tức ngực, khó thở hoặc ho ra máu,…

- Trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi.

Để chữa khỏi bệnh lao cần điều trị sớm, theo đúng phác đồ hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia là:

- Phối hợp thuốc chống lao.

- Đúng liều

- Đều hàng ngày

- Đủ thời gian

- Đối với người bệnh lao phổi phải xét nghiệm lại đờm (3 lần): sau khi điều trị được 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, để biết mình đã chữa khỏi bệnh lao hay chưa.

Thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ cơ sở chống lao quận huyện.

Để phòng bệnh lao cần:

- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và chữa cho họ khỏi bệnh.

- Người bệnh lao phổi cần che miệng khi ho, khi hắt hơi, khạc đờm vào mảnh giấy rồi đốt đi.

- Tiêm phòng BCG cho trẻ em theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Giữ gìn sức khoẻ và môi trường, nhà ở cần thông thoáng.

Bệnh lao là bệnh của toàn xã hội, không phải của riêng ai:

Chữa khỏi 1 người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không mắc bệnh lao. Bởi vậy, giúp đỡ người bệnh lao chữa khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cộng đồng./.

Nơi Nhận:

Đài truyền thanh xã

Lưu Trạm y tế

Đức xương , Ngày 22 tháng 4 năm 2023

TM. TRẠM Y TẾ XÃ


TRẠM Y TẾ XÃ ĐỨC XƯƠNG

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG VNNBB

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đang vào mùa, theo thống kê từ đầu năm 2020 đến nay nước ta đã có 419 người bị mắc bệnh gây 4 trường hợp tử vong. Bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh nên cần chủ động sử dụng để phòng ngừa.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm virút cấp tính ở hệ thần kinh trung ương. Bệnh do virút viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Flavi họ arbovirus nhóm B gây ra và chúng lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Ấn Độ và vùng viễn đông của nước Nga. Ở Việt Nam, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9 với đỉnh cao là tháng 6 và 7. Khi bị mắc bệnh, bệnh cảnh lâm sàng thường diễn biến nặng và hay để lại di chứng liệt hoặc rối loạn thần kinh, tâm thần. Các nhà khoa học đã cho rằng bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong cao trong các loại bệnh nhiễm virút. Chúng có ổ bệnh thiên nhiên, chủ yếu nguồn bệnh virút hiện diện ở loài lợn và chim; những động vật khác như: trâu, bò, ngựa, chó, khỉ... cũng có thể bị nhiễm virút viêm não Nhật Bản nhưng vai trò truyền bệnh ít quan trọng hơn.

Các loài muỗi truyền bệnh

Bệnh viêm não Nhật Bản được lây truyền từ động vật như lợn, chim sang người qua trung gian truyền bệnh của các loài muỗi Culex như: Culex tritaeniorhynchus, Culex bitaeniorhynchus, Culex gelidus, Culex vishnui...; trong đó có hai loài quan trọng là muỗi Culex tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Hai loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường sinh sản ở đồng ruộng lúa nước, buổi tối hay bay về chuồng gia súc để hút máu động vật là lợn bị nhiễm mầm bệnh, sau đó chúng đốt máu người và truyền bệnh sang cho người. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã xác định Culex tritaeniorhynchus là muỗi chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Chim là ổ chứa virút chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người. Đặc điểm muỗi Culex tritaeniorhynchus có màu nâu đen, phát hiện nhiều ở vùng nông thôn, làng mạc tập trung đông dân cư và có nhiều hồ ao; chúng thường đẻ trứng ở những ao hồ, ruộng lúa với những trứng muỗi dính thành bè nổi trên mặt nước. Muỗi có tập tính hút máu về ban đêm cả trong nhà và ngoài nhà, thích hút máu chim, máu lợn nhiều hơn máu người; chúng thường trú ẩn ở các bụi rậm hoặc trong chuồng gia súc, nhất là chuồng lợn. Muỗi Culex tritarniorhuynchus có thể bay xa trên 1 cây số và bay cao từ 13 -15m nên có khả năng lây truyền virút viêm não Nhật Bản cho các loài chim. Muỗi bị nhiễm virút cũng có khả năng truyền bệnh suốt đời và truyền sang thế hệ sau qua trứng. Người và ngựa được xem là vật chủ cuối cùng của virút viêm não Nhật Bản vì virút có trong máu người với hiệu giá thấp không đủ để có thể tiếp tục lây truyền sang muỗi.

Biện pháp phòng bệnh

Viêm não Nhật Bản là bệnh do muỗi Culex truyền, vì vậy biện pháp phòng bệnh cũng giống như một số bệnh do muỗi truyền khác là tránh sự tiếp xúc với muỗi mang mầm bệnh. Có thể phòng bệnh bằng cách mặc áo quần dài bảo hộ; dùng thuốc xua, lưới bảo vệ nhà cửa, màn ngủ, hương xua muỗi và tránh các hoạt động ở ngoài trời vào buổi chiều tối. Việc phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi ở nhà cửa, chuồng gia súc tại vùng nông thôn để phòng chống muỗi Culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường không có hiệu quả do tập tính đốt máu và trú ẩn ngoài nhà của loài muỗi này. Ở một số vùng có điều kiện có thể phòng chống được bằng biện pháp dùng cá diệt bọ gậy; phòng chống nơi muỗi sinh sản, đẻ trứng ở ruộng lúa và hệ thống mương máng. Việc phun không gian hóa chất diệt muỗi ngoài trời cần được áp dụng khi có dịch bệnh bùng phát để hạ nhanh mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh. Ở những vùng thường có dịch bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cần truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động cộng đồng người dân chăn nuôi và nhốt gia súc ra xa nhà ở; đặc biệt đối với việc chăn nuôi lợn tại những vùng này.

Tiêm chủng vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản hoàn toàn miễn phí

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên ngoài các biện pháp phòng bệnh đã nêu trên, biện pháp tốt nhất vẫn là việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Do vắc-xin viêm não Nhật Bản được cung cấp bởi chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng nên việc thực hiện tiêm chủng hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch quy định để bảo vệ tốt sức khỏe cho trẻ vì nước ta nằm trong vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản nên nguy cơ bị mắc bệnh là rất lớn.

Nơi Nhận:

- Đài truyền thanh xã;

- Lưu Trạm y tế.

Đức xương , Ngày 24 tháng 4 năm 2023

TM. TRẠM Y TẾ XÃ


BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Lợn và chim là những ổ chứa vi rút Viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18 - 22 giờ.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Sốt cao từ 38-390C, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

+ Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi;

+ Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

+ Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Tiêm chủng vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản hoàn toàn miễn phí

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên ngoài các biện pháp phòng bệnh đã nêu trên, biện pháp tốt nhất vẫn là việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Do vắc-xin viêm não Nhật Bản được cung cấp bởi chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng nên việc thực hiện tiêm chủng hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ theo đúng lịch quy định để bảo vệ tốt sức khỏe cho trẻ.

Nơi nhận:

- Đài TT xã;

- Lưu TYT.

T.M TRẠM Y TẾ XÃ

TRẠM TRƯỞNG

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỨC XƯƠNG - HUYỆN GIA LỘC

Trưởng Ban Biên tập: Đỗ Trọng Tuệ

Địa chỉ: An Cư , xã Đức Xương, huyện Gia lộc

Điện thoại:  0977481268

Email: diepdc72@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 2
Tất cả: 33,058